Chiều 23/8, Ban Chỉ đạo về Chuyển đổi số tỉnh (Ban Chỉ đạo tỉnh) tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết 6 tháng đầu năm 2024. Đồng chí Lê Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh chủ trì hội nghị.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh
Tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh có đồng chí Y Ngọc, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh; các thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh; đại diện lãnh đạo các cơ quan liên quan và Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo. Tại điểm cầu các huyện, thành phố có lãnh đạo UBND và các thành viên Ban Chỉ đạo về Chuyển đổi số các địa phương.
Theo báo cáo tại hội nghị, trong 6 tháng đầu năm 2024, công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh đạt được một kết quả đáng ghi nhận. Công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách được lãnh đạo, chỉ đạo có kết quả, tạo môi trường pháp lý cho chuyển đổi số.
Đển nay, đã triển khai Kho dữ liệu điện tử của cá nhân, tổ chức trên nền tảng dịch vụ công tỉnh; ngành Y tế đã triển khai xây dựng kho dữ liệu hồ sơ sức khỏe của địa phương; ngành Giáo dục và Đào tạo đã hoàn thiện kho học liệu số giáo dục các cấp học; ngành Lao động, TBXH đã cập nhật dữ liệu đối tượng bảo trợ xã hội; ngành Tư pháp đã số hóa Sổ hộ tịch và cập nhập trên hệ thống phần mềm hộ tịch.
Về cung cấp dịch vụ công trực tuyến, đã cung cấp 990 dịch vụ công toàn trình, 373 dịch vụ công trực tuyến một phần trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh; tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia 1.363/1.726 TTHC của tỉnh (đạt 79,24%). Đã có 32.456 tài khoản trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh đã đăng ký, sử dụng qua Nền tảng trao đổi định danh điện tử của Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Toàn tỉnh có 59,47% hộ gia đình sử dụng cáp quang Internet băng rộng và 100% xã, phường, thị trấn kết nối Internet cáp quang; Internet băng rộng di động 4G phủ đến thôn, có 92% người dân trong độ tuổi trưởng thành sử dụng Internet băng rộng di động.
Về phát triển kinh tế số, xã hội số, có 175 cơ sở giáo dục công lập thực hiện thu học phí thanh toán không dùng tiền mặt, đạt tỷ lệ 52,6%; 98,5% người tham gia BHXH, BHYT, BHTN được đồng bộ, xác thực với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; 100% cơ sở khám chữa bệnh đã triển khai thanh toán không dùng tiền mặt.
Bên cạnh đó, Hệ thống đảm bảo an toàn thông tin (SOC) tỉnh đã kết nối, chia sẻ thông tin giám sát với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia và đã thực hiện giám sát 29 thiết bị, 34 website của các đơn vị trên địa bàn tỉnh; Có 31/37 hệ thống thông tin đã phê duyệt cấp độ an toàn, đạt 84%; 67 website được Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá và gán nhãn tín nhiệm mạng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác chuyển đổi số của tỉnh thời gian qua vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như: Nhân lực tham mưu về chuyển đổi số, an toàn thông tin của cơ quan chuyên trách cấp tỉnh, huyện còn mỏng; còn đơn vị, địa phương chưa phân công cán bộ, công chức, viên chức tham mưu nhiệm vụ về chuyển đổi số; việc cung cấp cơ sở dữ liệu dùng chung, dữ liệu mở của các đơn vị, địa phương còn chậm; còn nhiều khu vực lõm sóng di động; việc sử dụng các dịch vụ số của người dân ở khu vực nông thôn còn rất ít; tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến trên tổng số hồ sơ giải quyết TTHC còn thấp; nhiều hệ thống thông tin của các cơ quan, địa phương chưa ban hành Phương án đảm bảo an toàn thông tin theo hồ sơ cấp độ đã phê duyệt...
Các đại biểu phát biểu tại hội nghị
Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu đã nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số tại đơn vị, địa phương; đồng thời, đề xuất, kiến nghị Ban Chỉ đạo về Chuyển đổi số tỉnh xem xét tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc trong thời gian tới.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh kết luận hội nghị
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo về Chuyển đổi số tỉnh biểu dương, ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của các ngành, địa phương trong lãnh đạo, triển khai công tác chuyển đổi số, sự tham gia có hiệu quả của doanh nghiệp công nghệ trên địa bàn tỉnh; đồng thời, cũng nêu lên những tồn tại, hạn chế trong công tác chuyển đổi số của các cơ quan, đơn vị, địa phương thời gian qua.
Để tiếp tục đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, phấn đấu đến năm 2025 tỉnh Kon Tum thuộc nhóm 35 tỉnh/thành trong cả nước thực hiện tốt nhất về chuyển đổi số theo Nghị quyết số 09-NQ/TU và phấn đấu hoàn thành các mục tiêu đề ra, đồng chí đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục tăng cường tuyên truyền, quán triệt Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “về chuyển đổi số tỉnh Kon Tum đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Kế hoạch chuyển đổi số của tỉnh và Kế hoạch công tác của Ban Chỉ đạo tỉnh năm 2024.
Rà soát, phân công cán bộ, công chức, viên chức phụ trách tham mưu nhiệm vụ về chuyển đổi số, đảm bảo mỗi địa phương, đơn vị có 01 vị trí tham mưu nhiệm vụ về chuyển đổi số. Phát huy hơn nữa vai trò của Tổ Công nghệ số cộng đồng tại cơ sở, bảo đảm thực sự là lực lượng nòng cốt trong việc hướng dẫn thực hiện dịch vụ công trực tuyến, chuyển đổi số.
Nghiên cứu các sản phẩm, giải pháp chuyển đổi số của bộ, ngành, địa phương để áp dụng vào chuyển đổi số lĩnh vực đảm bảo phù hợp với thực tiễn. Đồng thời, thúc đẩy việc sử dụng các tiện ích số như VNeID, hóa đơn điện tử, chữ ký điện tử, tài khoản thanh toán điện tử,… Rà soát chuẩn hóa dữ liệu để đảm bảo kết nối, chia sẻ dữ liệu theo Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh về Danh mục cơ sở dữ liệu dùng chung, Danh mục cơ sở dữ liệu mở tỉnh.
Hoàn thành phê duyệt hồ sơ đề xuất cấp độ an toàn cho các hệ thống thông tin thuộc phạm vi quản lý, thực hiện và triển khai đầy đủ phương án bảo đảm an toàn thông tin theo hồ sơ đề xuất cấp độ được phê duyệt.
Bên cạnh đó, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông thường xuyên theo dõi, đôn đốc các đơn vị, địa phương tập trung triển khai thực có hiệu quả, đúng tiến độ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Kế hoạch chuyển đổi số của tỉnh và Ban Chỉ đạo tỉnh năm 2024; đôn đốc các doanh nghiệp viễn thông đẩy mạnh các giải pháp xóa vùng lõm sóng di động.
Đề nghị các cơ quan báo chí, truyền thông trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh việc cung cấp thông tin trên các chuyên mục, tăng thời lượng phát sóng, số lượng bài viết để thông tin, tuyên truyền, phổ biến cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp về chuyển đổi số để tạo sự lan tỏa, hưởng ứng trong toàn xã hội.