Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh.
-Phó Thủ tướng có thể cho biết những đặc điểm nổi bật của tình hình thế giới và khu vực năm 2013?
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Nhìn lại tình hình thế giới và khu vực trong một năm qua, có thể nói các xu thế lớn trên thế giới như hòa bình, hợp tác cùng phát triển; toàn cầu hóa và liên kết kinh tế, thương mại, đầu tư; chuyển dịch quyền lực từ Tây sang Đông, từ Bắc xuống Nam; sự phát triển mạnh của cuộc cách mạng khoa học-công nghệ; cục diện thế giới “đa cực”… vẫn là dòng chảy chính của thời đại.
Năm 2013, kinh tế thế giới có một số chuyển biến tích cực, những dấu hiệu của kinh tế thế giới phục hồi ngày một rõ nét. Xu hướng liên kết kinh tế, thương mại, đầu tư khu vực và liên khu vực ở mọi tầng nấc phát triển mạnh, động lực của xu hướng này là các cuộc đàm phán về các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP), Hiệp định Đối tác kinh tế khu vực toàn diện (RCEP) và nhiều hiệp định thương mại tự do song phương khác ở khắp các châu lục.
Bên cạnh đó, cũng có những lo ngại về kinh tế thế giới phục hồi chậm, không đồng đều, không vững chắc; xu hướng gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, hàng rào thuế quan “sau biên giới.”
Tình hình chính trị-an ninh trên thế giới cũng có những diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố gây mất ổn định, bất trắc, khó lường. Cộng đồng quốc tế phải đối phó ngày càng quyết liệt với các thách thức an ninh truyền thống, an ninh phi truyền thống, đặc biệt là vấn đề an ninh mạng.
Khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có Đông Nam Á vẫn được coi là khu vực phát triển nặng động, là “đầu tầu” của kinh tế thế giới; nhưng cũng là trọng điểm cạnh tranh chiến lược của các nước lớn. Do đó, môi trường hòa bình, an ninh ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Đông Nam và Đông Á trong năm qua diễn biến rất phức tạp, các điểm nóng trong khu vực vẫn rất căng thẳng, chưa có dấu hiệu dịu xuống.
Các nước ASEAN đạt được nhiều thành tựu trong công cuộc phát triển kinh tế-xã hội, cải cách kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng; nỗ lực phấn đấu hoàn thành việc xây dựng “Cộng đồng ASEAN” vào năm 2015. Trong cấu trúc an ninh khu vực đang định hình ở châu Á, ASEAN tiếp tục phát huy vai trò trung tâm, và được các nước lớn, các nước đối tác coi trọng.
Có thể nói, ASEAN đang có nhiều điều kiện phát huy tốt hơn vai trò trung tâm trong việc duy trì hòa bình, ổn định và thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực; và điểm đáng ghi nhận trong năm 2013 là đã có một số tín hiệu tích cực trong việc thúc đẩy cuộc tham vấn giữa ASEAN và Trung Quốc về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Bên cạnh đó, những diễn biến phức tạp của tình hình nội bộ một số nước, sự khác biệt về lợi ích giữa một số nước thành viên trong một số vấn đề quốc tế và khu vực… có thể tác động đến vị thế, hình ảnh của ASEAN.
Tựu chung lại, tình hình thế giới và khu vực năm 2013 có mặt thuận lợi đồng thời cũng có mặt rất phức tạp, khó lường, và chúng ta cần phải hết sức bình tĩnh, tỉnh táo đánh giá để đón bắt những cơ hội, nhận ra những thách thức để hóa giải, phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
-Thưa Phó Thủ tướng, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực phức tạp như vậy, công tác đối ngoại đã được triển khai như thế nào và đạt được những kết quả gì?
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Chúng ta đã kiên trì giữ vững nguyên tắc, linh hoạt về sách lược, đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên hàng đầu; triển khai đồng bộ, toàn diện, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội XI của Đảng.
Ngoại giao chính trị đã triển mạnh chủ trương đưa các quan hệ hợp tác của nước ta với các nước đi vào chiều sâu, ổn định, thực chất. Nội hàm này được ưu tiên hàng đầu trong các hoạt động đối ngoại của các đồng chí Lãnh đạo Cấp cao của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ; của các Bộ, ngành, địa phương.
Chúng ta đã đạt được những kết quả rất quan trọng là trong năm 2013 đã nâng cấp quan hệ lên tầm Đối tác chiến lược với Italy, Indonesia, Thái Lan, Singapore, Pháp; quan hệ Đối tác toàn diện với Hoa Kỳ và Đan Mạch. Nếu tính những quan hệ Đối tác đã thiết lập trước đó với Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật... đến nay Việt Nam đã thiết lập 13 Đối tác chiến lược và 11 Đối tác toàn diện, trong đó có 5 nước lớn ủy viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc.
Năm 2013 cũng là năm triển khai mạnh ngoại giao đa phương. Lần đầu tiên, Việt Nam được bầu vào Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc với số phiếu cao nhất trong số các nước ứng cử; được bầu và đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Hội đồng Thống đốc Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) niên khóa 2013-2014, tiếp đó là được bầu vào Ủy ban Di sản thế giới của tổ chức UNESCO nhiệm kỳ 2014-2017.
Lần thứ hai trong APEC, Việt Nam được tín nhiệm giao đăng cai tổ chức Hội nghị Cấp cao APEC 2017 và hiện nay chúng ta đang tích cực triển khai cho việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, ứng cử lần thứ hai vào Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, ứng cử vào Ủy ban Kinh tế - Xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC).
Những kết quả trên của ngoại giao đa phương đã cho thấy Việt Nam không chỉ tham gia, mà còn khẳng định vai trò là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Cùng với việc chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, ngoại giao kinh tế được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Trong năm qua, chúng ta đã chủ động tham gia, đưa ra nhiều đề xuất nhằm thúc đẩy đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (Hiệp định TPP), Hiệp định Đối tác kinh tế khu vực toàn diện (RCEP); đàm phán về hiệp định thương mại tự do (FTAs) với Liên minh châu Âu (EU), Hàn Quốc, Liên minh hải quan gồm Nga, Belarus, Kazakhstan đồng thời chúng ta cũng đẩy mạnh công tác vận động các nước công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam.
Đến nay, có 43 nước đã công nhận Việt Nam có quy chế kinh tế thị trường. Các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, đầu tư, du lich cũng được đẩy mạnh nhằm hỗ trợ ngành, địa phương, doanh nghiệp tìm đối tác, mở rộng thị trường.
Công tác biên giới, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thường xuyên được quan tâm và chỉ đạo sát sao. Tình hình biên giới trên bộ với Trung Quốc, Lào và Campuchia cơ bản ổn định. Việt Nam và Lào đã hoàn thành công tác triển khai Dự án tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam-Lào với việc cắm 792 vị trí mốc, tương ứng với 834 cột mốc trên toàn tuyến biên giới 2.067km (7/2013).
Hai nước cũng đã ký Thỏa thuận cấp Chính phủ giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong khu vực biên giới (7/2013). Trong năm 2013, Việt Nam và Trung Quốc đã tổ chức Hội nghị tổng kết 3 năm thực hiện 3 văn kiện về biên giới và thúc đẩy tiến độ đàm phán tiến tới ký kết Hiệp định hợp tác khai thác và bảo vệ tài nguyên du lịch khu vực thác Bản Giốc.
Trong vấn đề Biển Đông, chúng ta kiên trì lập trường nguyên tắc, kiên quyết đấu tranh với các hành động của Trung Quốc vi phạm chủ quyền và các quyền hợp pháp của ta trên biển, tranh thủ được mối quan tâm thường xuyên và sự ủng hộ của dư luận quốc tế và khu vực, bảo đảm các hoạt động kinh tế trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa 200 hải lý được triển khai bình thường đồng thời tiếp tục tiến hành đàm phán với Trung Quốc về những vấn đề liên quan đến hai nước nhằm giảm căng thẳng, và từng bước tìm giải pháp cơ bản, lâu dài cho các vấn đề tranh chấp ở biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Công tác đấu tranh trong vấn đề dân chủ, nhân quyền và tôn giáo được triển khai đồng bộ bẳng các biện pháp vận động, đấu tranh đối ngoại phù hợp, chủ động đối thoại trên tinh thần thẳng thắn, xây dựng với các nước, qua đó vừa góp phần bảo đảm an ninh quốc gia, vừa giảm thiểu các tác động tiêu cực và không để vấn đề dân chủ nhân quyền gây trở ngại cho việc thúc đẩy quan hệ với các nước.
Công tác ngoại giao văn hóa, công tác người Việt Nam ở nước ngoài, lãnh sự, bảo hộ công dân, thông tin, tuyên truyền đối ngoại được triển khai mạnh và đạt được những kết quả quan trọng trong việc nâng cao hình ảnh của Việt Nam trên thế giới, góp phần củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, bảo vệ các quyền lợi chính đáng và hợp pháp của đồng bào ta.
Các hoạt động đối ngoại quốc phòng-an ninh tiếp tục được triển khai chủ động, tích cực, có chiều sâu cả trong quan hệ song phương, và trong các cơ chế đa phương, đặc biệt là trong cơ chế Hội nghi Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+). Sự phối hợp chặt chẽ giữa ngoại giao, quốc phòng, an ninh đã tạo thành sức mạnh tổng hợp, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, củng cố an ninh quốc gia.
Như vậy, trong các thành tựu chung của đất nước, công tác đối ngoại đã góp phần quan trọng vào giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia, dân tộc; tranh thủ những điều kiện thuận lợi của hội nhập quốc tế, những nguồn lực bên ngoài phục vụ công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.
Để có những kết quả quan trọng nói trên, nguyên nhân quan trọng hàng đầu là chúng ta phát huy sức mạnh của toàn dân tộc, của toàn hệ thống chính trị, triển khai nhất quán đường lối đối ngoại của Đảng “độc lập tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa”, nhận diện đúng thời cơ và thách thức.
-Vậy công tác đối ngoại trong năm 2014 sẽ tập trung vào những trọng tâm nào, thưa Phó Thủ tướng?
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Năm 2014 có ý nghĩa rất quan trọng đối với nước ta, đó là năm then chốt triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, năm thứ hai đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Hội nhập quốc tế của Bộ Chính trị.
Những dự báo của tình hình thế giới năm 2014 cho thấy bên cạnh những yếu tố thuận lợi, tình hình thế giới và khu vực châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục phức tạp, khó lường. Do đó, một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu là tiếp tục giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tạo môi trường thuận lợi cho công cuộc phát triển đất nước Trong tình hình đó, để tiếp tục thực hiện thắng lợi các nhiêm vụ của Đại hội XI của Đảng, công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước trong năm 2014 hướng vào các trọng tâm sau:
Ưu tiên đẩy mạnh triển khai Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế với chủ đề của công tác đối ngoại năm 2014 là “Ngoại giao chủ động, tích cực hội nhập quốc tế,” thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của Chương trình Hành động của Hội nghị Ngoại giao lần thứ 28.
Tiếp tục ưu tiên củng cố, tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị, ổn định với các nước láng giềng, đặc biệt là quan hệ với Lào, Campuchia, Trung Quốc, các nước Đông Nam Á, và các nước khác trong khu vực; đồng thời nỗ lực xử lý ổn thỏa những vấn đề còn tồn tại, những vấn đề phát sinh trong quan hệ với các nước trên cơ sở bình đẳng và luật pháp quốc tế.
Tiếp tục đẩy mạnh và đưa quan hệ của nước ta với các nước, đặc biệt là với những nước đã thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược, Đối tác Toàn diện đi vào chiều sâu, hiệu quả và ổn định; chủ động, tích cực thúc đẩy việc thực hiệp các Hiệp định, thoả thuận đã ký với các nước đối tác, tăng cường đan xen lợi ích.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế, trọng tâm là tăng cường công tác nghiên cứu, tham mưu triển khai các chủ trương lớn về kinh tế, đặc biệt là kinh nghiệm của các nước chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; triển khai vận động chính trị, ngoại giao phục vụ các cuộc đàm phán về TPP, RCEP, và các hiệp định thương mại với EU, Liên minh Hải quan Nga-Belarus-Kazakhstan; đẩy mạnh hơn nữa vận động các nước công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam;
Hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước mở rộng thị trường xuất khẩu, và tìm kiếm đối tác đầu tư, kinh doanh; bảo vệ lợi ích của ta trong các cuộc tranh chấp thương mại, chống bảo hộ, áp đặt các tiêu chuẩn kép trong thương mại.
Thông qua các hoạt động trên, ngoại giao kinh tế cần góp phần tích cực vào khôi phục nền kinh tế lấy lại đà tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, tăng thu hút FDI, mở rộng thị trường xuất khẩu.
Phát huy thế mạnh của ngoại giao đa phương, kết hợp ngoại giao song phương và đa phương, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, tranh thủ những điều kiện thuận lợi của hội nhập quốc tế phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tích cực chuẩn bị cho việc Việt Nam tham gia hiệu quả các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc và Hội đồng nhân quyền từ năm 2014.
Triển khai đồng bộ và toàn diện công tác đối ngoại trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, công tác người Việt Nam ở nước ngoài, công tác bảo hộ công dân, thông tin-tuyên truyền đối ngoại, tạo thành sức mạnh tổng hợp, nâng cao hơn nữa vị thế của nước ta trên thế giới.
Tăng cường phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các lực lượng làm công tác đối ngoại, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại Đảng, đối ngoại nhân dân, đối ngoại quốc phòng và an ninh tại Trung ương và địa phương trong việc thực hiện các nhiệm vụ đối ngoại và hội nhập quốc tế; tăng cường công tác quản lý thống nhất đối ngoại, thực hiện triệt để tiết kiệm, nâng cao hiệu quả các đoàn đi công tác nước ngoài./.
Theo www.mofa.gov.vn