banner
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
Bản tin ngoại vụ số 27
24-12-2013

1. Hoạt động chính trị, đối ngoại

- Hội nghị Ngoại giao lần thứ 28

+ Từ 16 - 20/12/2013 tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao đã tổ chức Hội nghị Ngoại giao lần thứ 28 với chủ đề “Ngoại giao chủ động, tích cực hội nhập quốc tế”. Tham dự Hội nghị có các đồng chí Lãnh đạo và nguyên Lãnh đạo Đảng và Nhà nước và Bộ Ngoại giao, đại biểu các cơ quan Trung ương, đại biểu các tỉnh/ thành phố trong cả nước, các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và các cán bộ, công chức Bộ Ngoại giao.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, đ/c Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Chính phủ - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, nhấn mạnh Hội nghị Ngoại giao 28 được tổ chức trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế có nhiều chuyển biến quan trọng. Đất nước tiếp tục đạt được nhiều kết quả quan trọng về chính trị, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội, trên thế giới, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, nhưng tình hình vẫn tiếp tục có những diễn biến phức tạp… Vì vậy, Hội nghị Ngoại giao 28 có nhiệm vụ quan trọng là kiểm điểm, đánh giá việc triển khai đường lối đối ngoại và chủ trương hội nhập quốc tế trong nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng lần thứ XI, tiếp tục xác định các biện pháp toàn diện, hiệu quả để thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại trong những năm tới.

Đến dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đ/c Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Đảng Cộng sản Việt Nam, đã nhiệt liệt biểu dương ngành đối ngoại về những thành tích to lớn trong những năm qua, góp phần quan trọng vào bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, giữ vững và củng cố môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ rộng rãi của bạn bè quốc tế, đẩy mạnh hội nhập quốc tế toàn diện, đưa các mối quan hệ quốc tế đi vào chiều sâu, góp phần thiết thực vào thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, phát huy vai trò tích cực trong các thể chế khu vực và toàn cầu, nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới… Trên cơ sở đó, đ/c Tổng Bí thư nêu 8 nhiệm vụ mà ngành Ngoại giao cần tập trung cao độ và thực hiện tốt trong những năm tới, trong đó có nhiệm vụ hết sức quan trọng là tiếp tục đóng vai trò đi đầu trong việc bảo đảm môi trường hòa bình thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. (Toàn văn bài phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư được đăng trên Báo Thế giới & Việt Nam, số 51 (1032) từ 19-25/12/2013).

+ Ngày 19/12/2013, Hội nghị Ngoại giao 28 tiến hành phiên họp với chủ đề “Ngoại giao góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc”. Đến dự và chỉ đạo Hội nghị, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã phân tích một cách sâu sắc, biện chứng những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, khu vực, những thuận lợi và thách thức, những bài học kinh nghiệm, những vấn đề mới đặt ra và nhiệm vụ sắp tới của công tác đối ngoại…, đồng thời chỉ đạo Bộ Ngoại giao cần tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu, tham mưu chiến lược, đưa quan hệ với các đối tác đi vào chiều sâu để đóng góp tích cực và hiệu quả trên các diễn đàn khu vực và quốc tế, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

+ Cũng trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao 28, ngày 17/12/2013 Bộ Ngoại giao đã phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức Phiên họp chung với Hội nghị Tham tán Thương mại với chủ đề "Hội nhập quốc tế và kinh tế đối ngoại". Đến dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá 3 năm qua đất nước ta đã vượt qua nhiều khó khăn của khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu, thiên tai, lũ lụt… để tiếp tục đạt được những thành tích to lớn trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng và đối ngoại; tuy nhiên, nhiệm vụ trước mắt các bộ, ban, ngành, địa phương và doanh nghiệp trong thời gian tới là rất nặng nề, đặc biệt là việc phải khẩn trương xây dựng và triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế.

- Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 17

Trước thềm Hội nghị Ngoại giao 28, ngày 15/12/2013 Bộ Ngoại giao đã tổ chức Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 17 với chủ đề “Phát huy vai trò của địa phương trong thời kỳ đẩy mạnh hội nhập quốc tế”. Tham dự Hội nghị có hơn 350 đại biểu là đại diện lãnh đạo tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, các Bộ, ngành, các Trưởng Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài.

Thay mặt Chính phủ đến dự và phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định: “…mặt trận đối ngoại bao gồm ngoại giao Nhà nước, đối ngoại Đảng, đối ngoại Quốc hội, đối ngoại nhân dân, với sự chủ động và phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ban, ngành và đặc biệt là địa phương, đã triển khai toàn diện và đồng bộ các hoạt động đối ngoại, góp phần quan trọng vào những thành tựu chung của đất nước, đặc biệt là góp phần giữ vững độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, duy trì môi trường hoà bình, ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội”.

Phát biểu kết luận và bế mạc Hội nghị, Thứ trưởng Hồ Xuân Sơn đánh giá các ý kiến phát biểu đã bám sát chủ đề Hội nghị, đi sâu phân tích, kiểm điểm, đánh giá toàn diện tình hình công tác ngoại vụ, qua đó thấy rõ trong thời gian qua các cơ quan ngoại vụ không những đã làm tốt vai trò "Bộ Ngoại giao" thu nhỏ ở địa phương mà còn hoàn thành công tác đối ngoại Đảng và ngoại giao nhân dân; để nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế, cần phát huy tính chủ động của các địa phương nói chung, của cơ quan ngoại vụ địa phương nói riêng với vai trò đầu mối, tham mưu trong các hoạt động đối ngoại trên địa bàn, và sự tích cực "vào cuộc" của các đơn vị chức năng Bộ Ngoại giao.

Nhân dịp Hội nghị Ngoại vụ 17, Bộ Ngoại giao đã tổ chức trao Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Ngoại giao Việt Nam” và Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho các tập thể, cá nhân có những cống hiến và thành tích đóng góp to lớn trong công tác đối ngoại địa phương.

2. Hợp tác địa phương

- Hội nghị định kỳ lần 4 kiểm điểm tình hình hợp tác giữa các bộ/ngành, địa phương Việt Nam và tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.

Ngày 11/12/2013 tại TP. Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Hồ Xuân Sơn và Phó Tỉnh trưởng tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc Chiêu Ngọc Phương đã đồng chủ trì Hội nghị định kỳ lần 4 kiểm điểm tình hình hợp tác giữa các Bộ/ ngành, địa phương Việt Nam và tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.

Đánh giá tình hình hợp tác trong một năm qua và trao đổi kế hoạch hợp tác trong năm 2014, hai bên nhất trí cho rằng với đà phát triển của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc, quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa các địa phương của Việt Nam và tỉnh Quảng Đông đã đạt được những bước phát triển tích cực trên tất cả các lĩnh vực, nhất là thương mại, đầu tư, nông nghiệp, du lịch ( )…

Nhân dịp này, tỉnh Quảng Đông đã phối hợp với các cơ quan hữu quan của Việt Nam tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư thương mại tại TP. Hồ Chí Minh và Hội nghị xúc tiến du lịch tại Thành phố Đà Nẵng.

- Lãnh đạo Bắc Giang tiếp Trưởng phái đoàn Liên minh Châu Âu

Ngày 22/11/2013, đ/c Nguyễn Văn Linh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, đã có buổi tiếp và làm việc với Đại sứ Franz Jessen, Trưởng phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam đến thăm tỉnh. Đ/c Nguyễn Văn Linh khẳng định, sự giúp đỡ quý báu của EU trên các lĩnh vực y tế, văn hóa thời gian qua, trong đó Dự án “Hỗ trợ nâng cao năng lực ngành y tế”( ) là những hoạt động nhân đạo hết sức thiết thực, góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, đặc biệt là công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân ở tuyến cơ sở. Đ/c Phó Chủ tịch cũng đề nghị, thời gian tới EU tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp của tỉnh Bắc Giang có cơ hội mở rộng hợp tác, thâm nhập thị trường châu Âu và ngược lại; tiếp tục quan tâm giúp đỡ tỉnh xây dựng hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế nông nghiệp, tiếp tục ưu tiên đầu tư các dự án trong lĩnh vực y tế, công nghệ xử lý rác thải, ô nhiễm môi trường…

Đại sứ Franz Jessen khẳng định, Liên minh châu Âu luôn dành ưu tiên cho các dự án tài trợ nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh của ngành y tế, đặc biệt là y tế cơ sở. Chia sẻ những khó khăn mà các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và Bắc Giang nói riêng trong việc tiếp cận thị trường châu Âu, Đại sứ cho biết, EU đã có chính sách ưu đãi thuế quan tương đối thuận lợi đối với hàng nông sản của Việt Nam; mong muốn thông qua việc thực hiện có hiệu quả các dự án hỗ trợ ngành y tế tại Bắc Giang, EU sẽ xây dựng thành công và nhân rộng mô hình trên ra các địa phương khác trong cả nước.

- Lãnh đạo tỉnh Hà Giang thăm và làm việc tại Vân Nam (Trung Quốc)

Từ 25-30/11/2013, đoàn công tác tỉnh Hà Giang do đồng chí Triệu Tài Vinh, Bí thư Tỉnh ủy, dẫn đầu đã đi thăm, làm việc tại tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).

Trong các chương trình làm việc, đoàn đã trao đổi về việc thúc đẩy hợp tác phát triển kết nối du lịch giữa Hà Giang với các vùng du lịch của tỉnh Vân Nam; nâng cấp cửa khẩu Thiên Bảo (Ma Li Pho) và Thanh Thủy (Vị Xuyên) tạo điều kiện cho du khách quốc tế có thể đến các điểm du lịch của 2 địa phương; đẩy mạnh phát triển kinh tế biên mậu giữa các cặp cửa khẩu ở các huyện biên giới; tăng cường hợp tác trong lĩnh vực phát triển nông, lâm nghiệp; tăng cường giao lưu thể thao, văn hóa; phối hợp thực hiện tốt việc quản lý biên giới, đẩy mạnh việc quản lý cư dân biên giới; hoàn thiện một số vấn đề về khâu hành chính, cụ thể như việc cấp thủ tục hành chính cho xe qua lại và cấp giấy thông hành cho cư dân qua lại cửa khẩu…

- Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Ấn Độ đầu tư tại Cần Thơ

Ngày 26/11/2013, đ/c Lê Hùng Dũng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, đã có buổi tiếp ngài Deepak Mittal, Tổng lãnh sự Ấn Độ tại TP Hồ Chí Minh đến thăm và làm việc. Tại buổi tiếp, Phó Chủ tịch Lê Hùng Dũng đã giới thiệu tiềm năng, lợi thế và cơ hội hợp tác phát triển kinh tế của Cần Thơ, nhất là trên các lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ thông tin, y tế, giáo dục và đào tạo; nhấn mạnh sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Ấn Độ đầu tư, mở rộng sản xuất tại thành phố; đề nghị Ấn Độ tiếp tục hỗ trợ TP Cần Thơ trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua cách cấp học bổng du học và hợp tác giữa các viện, trường đại học trên địa bàn thành phố… và mong muốn Tổng Lãnh sự giới thiệu để Cần Thơ có cơ hội giao lưu văn hóa, kết nghĩa với một số tỉnh, thành của Ấn Độ và các doanh nghiệp Ấn Độ đến tìm hiểu cơ hội đầu tư vào TP Cần Thơ.

Tổng lãnh sự Ấn Độ đánh giá cao vai trò và tiềm năng phát triển kinh tế của Cần Thơ; cho biết nhiều doanh nghiệp Ấn Độ đã và đang tìm hiểu cơ hội đầu tư, mở rộng sản xuất tại thành phố, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến nông, thủy sản, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, sản xuất điện và năng lượng; hoan nghênh đề xuất tăng cường trao đổi về văn hóa, giao lưu nhân dân của lãnh đạo TP Cần Thơ với các địa phương của Ấn Độ, coi đây là những hoạt động góp phần vun đắp mối quan hệ hữu nghị bền chặt giữa hai quốc gia.

- Quảng Trị đẩy mạnh hợp tác hữu nghị với Hàn Quốc

Từ ngày 02-04/12/2013 tại Quảng Trị, UBND tỉnh Quảng Trị đã phối hợp với Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam, Cơ quan HTQT Hàn Quốc (KOICA) tổ chức Lễ công bố và ký kết Bản ghi nhớ thực hiện “Chương trình Hạnh phúc”( ) tại tỉnh Quảng Trị, Lễ khánh thành dự án nâng cấp trường trung cấp nghề Quảng Trị và Lễ khởi động chương trình hỗ trợ khắc phục bão lũ.
Phát biểu tại Lễ khánh thành Trường Trung cấp nghề Quảng Trị và Lễ công bố “Chương trình Hạnh phúc”, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hồ Xuân Sơn đánh giá cao sự hỗ trợ thiết thực, hiệu quả của Hàn Quốc đối với tỉnh Quảng Trị trong thời gian qua và nhấn mạnh chương trình này là một dự án mang đậm tính nhân văn, biểu hiện sinh động của tình hữu nghị và sự hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Thứ trưởng Hồ Xuân Sơn cũng đề nghị phía Hàn Quốc tiếp tục quan tâm, mở rộng các chương trình hỗ trợ phát triển, thúc đẩy hợp tác kinh tế, giao lưu văn hóa giữa Hàn Quốc với các địa phương của Việt Nam

Nhân chuyến công tác tại Quảng Trị, Thứ trưởng Hồ Xuân Sơn đã thay mặt Lãnh đạo Bộ Ngoại giao trao tặng khoản tiền 200 triệu đồng do Công đoàn Bộ Ngoại giao quyên góp, ủng hộ nhân dân tỉnh Quảng Trị khắc phục hậu quả bão lụt gần đây, và trao khoản tiền 98.387.500 đồng do Hội phụ nữ Châu Á - Thái Bình Dương (Nhật Bản) quyên góp hỗ trợ Trường mầm non Triệu An, xã Triệu An, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.

Theo

- Nhật Bản viện trợ không hoàn lại 2 dự án giáo dục

Ngày 11/12/2013, Dự án “Nâng cao năng lực giáo dục giảm nhẹ rủi ro thiên tai cho trường học và cộng đồng ven biển tại tỉnh Quảng Nam” và Dự án “Cải thiện giáo dục tiểu học cho người dân tộc thiểu số tại 3 tỉnh miền Bắc và miền Trung ” đã được ký kết tại Đại sứ quán Nhật Bản (Hà Nội), với hợp đồng viện trợ không hoàn lại 736.851 USD từ phía Nhật Bản. Số viện trợ này thuộc dự án về các vấn đề trọng điểm trong lĩnh vực hợp tác quốc tế có vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản trong năm tài khóa 2013.

Dự án thứ nhất, khắc phục những rủi ro do thiên tai, bão lũ gây ra cho trường học và cộng đồng ven biển tại tỉnh Quảng Nam với số tiền viện trợ 219.927 USD từ Tổ chức SEED Asia.
Dự án thứ hai về cải thiện giáo dục tiểu học cho người dân tộc thiểu số tại 3 tỉnh miền Bắc và miền Trung (Hà Giang, Quảng Bình và Quảng Ngãi) nhằm cải thiện chất lượng giáo dục tại những vùng khó khăn của 3 tỉnh này; số tiền viện trợ là 516.924 USD từ Tổ chức Plan Japan.

- UNESCO vinh danh Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ, Việt Nam trong Danh sách Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.

Ngày 05/12/2013, Phiên họp Uỷ ban liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể lần thứ 8 của UNESCO tổ chức tại thành phố Baku, Cộng hoà Azerbaijan, đã chính thức công nhận Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ của Việt Nam là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.
Đờn ca tài tử Nam Bộ đáp ứng đầy đủ các tiêu chí như: Được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác thông qua giáo dục chính thức và không chính thức tại khắp 21 tỉnh phía Nam; liên tục được tái tạo thông qua trao đổi văn hóa với các dân tộc khác nhau, thể hiện sự hoà hợp và tôn trọng lẫn nhau giữa các dân tộc... Việc Đờn ca tài tử Nam Bộ được vinh danh cho thấy thế giới đánh giá cao loại hình âm nhạc này của Việt Nam, đồng thời chứng tỏ sức sống của văn hoá truyền thống Việt Nam trong dòng chảy hội nhập vào văn hoá thế giới. UNESCO mong muốn Việt Nam sẽ có các biện pháp bảo vệ nhằm hỗ trợ trao truyền và giảng dạy về Di sản văn hóa phi vật thể này trong chương trình giáo dục chính thức.

- Hoạt động Tuần lễ Pháp tại Đà Lạt

Ngày 09/12/2013, nhân Kỷ niệm 40 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Cộng hòa Pháp (12/4/1983 - 12/4/2013), Đại sứ quán Pháp và tỉnh Lâm Đồng đã phối hợp tổ chức Tuần lễ Pháp tại Đà Lạt từ 09-15/12/2103.

 Với hàng loạt sự kiện chính trị, văn hóa, giáo dục và kinh tế đã diễn ra tại Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, sự kiện “Tuần lễ Pháp tại Đà Lạt” đặt thêm một dấu ấn cho sự phát triển suốt chiều dài lịch sử của thành phố được mệnh danh “tiểu Paris” ở Việt Nam. Đại sứ Cộng hòa Pháp tại Việt Nam Jean Noel Poirier cho biết, những người Pháp yêu quý Việt Nam đều biết và thích Đà Lạt; sự kiện Tuần lễ Pháp tại Đà Lạt là dịp để người Pháp bày tỏ mong muốn sự hiện diện ngày càng mạnh mẽ hơn và góp phần vào sự lớn mạnh của thành phố này.

Phát biểu tại lễ khai mạc, đ/c Nguyễn Xuân Tiến, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, nhấn mạnh các hoạt động văn hóa tại Tuần lễ Pháp sẽ mang lại cho công chúng Đà Lạt nói riêng, du khách thập phương nói chung cảm nhận những nét rất riêng về văn hóa, phong tục, tập quán giữa hai dân tộc, cũng như sự giao thoa có tính truyền thống giữa hai nền văn hóa. Đặc biệt, sự kiện này diễn ra trong dịp tỉnh Lâm Đồng tổ chức kỷ niệm 120 năm Đà Lạt hình thành và phát triển - một thành phố để lại dấu ấn của bác sĩ A.Yersin trong quá trình thám hiểm và quy hoạch kiến trúc của các kiến trúc sư người Pháp.

3. Tin khác

- Khuyến cáo về tình hình tại Thái Lan

Nhằm tránh những rủi ro, nguy hiểm đáng tiếc có thể xảy ra, Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao khuyến nghị công dân Việt Nam không nên có mặt tại những địa điểm đang diễn ra biểu tình tại Thái Lan, đặc biệt ở Thủ đô Bangkok, cho đến khi tình hình ổn định trở lại.

Trong trường hợp khẩn cấp, công dân Việt Nam có thể liên hệ với Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan theo số điện thoại (trực 24/24): +66.8989.66653 / +66.8524.65078; hoặc người thân tại Việt Nam có thể liên hệ với Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao theo số điện thoại 0918.370.497 để được trợ giúp kịp thời.

4. Văn bản mới ban hành

- Nghị định số 162/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trên các vùng biển, đảo và thềm lục địa của Việt Nam

Ngày 12/11/2013, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký ban hành Nghị định số 162/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trên các vùng biển, đảo và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Nghị định quy định các mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm các quy định về quản lý vùng biển, đảo và thềm lục địa của Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Đi vào vùng cấm hoặc vùng hạn chế họat động trong lãnh hải Việt Nam; tuyên truyền nhằm gây hại đến quốc phòng, an ninh của Việt Nam; phóng đi, tiếp nhận hay xếp phương tiện bay, phương tiện khác lên tàu thuyền; thu thập thông tin trái phép liên quan đến quốc phòng, an ninh của Việt Nam; luyện tập hay diễn tập trái phép dưới bất kỳ hình thức nào; xâm phạm vùng biển, đảo và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam để điều tra, thăm dò và nghiên cứu khoa học tài nguyên biển Việt Nam; xâm phạm vùng biển, đảo, thềm lục địa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam để hoạt động du lịch; vi phạm quy định về an toàn sinh mạng trên tàu biển; hành vi không trục vớt tài sản chìm đắm gây nguy hiểm; vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường biển: đổ các loại chất thải xuống vùng biển thuộc khu bảo tồn thiên nhiên, di sản tự nhiên, vùng có hệ sinh thái mới; hành vi đổ chất thải nguy hại, chất thải có chứa chất phóng xạ xuống các vùng biển, đảo và thềm lục địa Việt Nam...
Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2014 và thay thế Nghị định số 137/2004/NĐ-CP ngày 16/6/2004.

- Nghị định số 180/2013/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 6 năm 2007 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật du lịch
Theo Nghị định, kinh doanh lữ hành bao gồm các ngành, nghề: Kinh doanh lữ hành nội địa; kinh doanh lữ hành quốc tế và kinh doanh đại lý lữ hành.

Ký quỹ kinh doanh lữ hành quốc tế được quy định:

+ Tiền ký quỹ của doanh nghiệp phải gửi vào tài khoản tại ngân hàng và được hưởng lãi suất theo thỏa thuận giữa doanh nghiệp và ngân hàng nhận ký quỹ phù hợp với quy định của pháp luật. Tiền ký quỹ của doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế được sử dụng để giải quyết các vấn đề phát sinh trong trường hợp doanh nghiệp không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ trong hoạt động kinh doanh lữ hành.

+ Hoàn trả tiền ký quỹ kinh doanh lữ hành cho doanh nghiệp khi có quyết định của cơ quan cấp giấy chứng nhận đầu tư về việc thu hồi giấy chứng nhận đầu tư hoặc xóa ngành nghề kinh doanh lữ hành trong giấy chứng nhận đầu tư của doanh nghiệp kinh doanh lữ hành có vốn đầu tư nước ngoài.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2014.

- Quyết định số 72/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định cơ chế, chính sách tài chính đối với khu kinh tế cửa khẩu.

Ngày 26/11/2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký Quyết định số 72/2013/QĐ-TTg quy định cơ chế, chính sách tài chính đối với khu kinh tế cửa khẩu; đối tượng áp dụng bao gồm cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động thương mại, đầu tư, sản xuất và các hoạt động kinh doanh khác trong khu kinh tế cửa khẩu.

Quyết định quy định cụ thể về chính sách đầu tư và tín dụng về nguồn vốn đầu tư hạ tầng của ngân sách nhà nước, vốn huy động, vốn quỹ đất khu kinh tế, vốn tín dụng nhà nước; chính sách ưu đãi về thuế, phí, lệ phí và chính sách tài chính khác. Quyết định có hiệu lực từ ngày 15/01/2014./.

Theo www.mofa.gov.vn 

Số lượt xem:701

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
lens Bản tin ngoại vụ số 26 (19-12-2013)
lens Bản tin ngoại vụ số 25 (23-11-2012)

 

TRANG THÔNG TIN SỞ NGOẠI VỤ TỈNH KON TUM
Quản lý và nhập tin: Sở Ngoại Vụ, số 40- Bà Triệu - TP Kon Tum.
Người chịu trách nhiệm chính: Giám đốc Sở Ngoại Vụ tỉnh Kon Tum.
Điện thoại: 0260.3915659 ; Email: sngv@kontum.gov.vn/songoaivu-kontum@chinhphu.vn

681486 Tổng số người truy cập: 346 Số người online:
TNC Phát triển: