Tổng kết tình hình hợp tác ASEAN năm 2015 và phương hướng tham gia năm 2016
14-1-2016

 (MOFA) - Ngày 08/01/2016 tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao, với tư cách cơ quan điều phối quốc gia về hợp tác ASEAN, đã tổ chức họp liên Bộ, ngành nhằm đánh giá những kết quả và tiến triển trong hợp tác ASEAN năm 2015, đồng thời xác định những trọng tâm, ưu tiên tham gia hợp tác trong năm 2016 và các biện pháp nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các Bộ, ngành trong thời gian tới. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung chủ trì Cuộc họp với sự tham dự của đại diện hơn 20 Bộ, ngành tham gia hợp tác ASEAN.

 Năm 2015 là năm đặc biệt có ý nghĩa bởi sự ra đời của Cộng đồng ASEAN ngày 31/12/2015. Đây là thành quả của 48 năm nỗ lực hợp tác của tất cả các nước thành viên, ghi dấu mốc quan trọng của tiến trình liên kết ASEAN, tạo cơ sở và động lực cho giai đoạn phát triển cao hơn của Hiệp hội. Tính đến cuối năm 2015, ASEAN đã cơ bản hoàn thành các biện pháp trong Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN 2009-2015, trải rộng trên tất cả các lĩnh vực chính trị-an ninh, kinh tế, văn hóa-xã hội, kết nối và thu hẹp khoảng cách phát triển, quan hệ đối ngoại và tăng cường bộ máy, tổ chức. Nhằm đề ra định hướng chiến lược và khuôn khổ cho liên kết ASEAN trong 10 năm tới, ASEAN đã thông qua gói văn kiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 với mục tiêu bao trùm đưa ASEAN trở thành  một Cộng đồng thực sự gắn kết và có vai trò quan trọng hơn ở khu vực. Trong bối cảnh tình hình khu vực và quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, ASEAN ưu tiên tăng cường nội lực và hợp tác nội khối, đồng thời phát huy vai trò trung tâm trong xử lý các vấn đề quan trọng thuộc lợi ích chung của khu vực như duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông, ứng phó các thách thức an ninh phi truyền thống đang nổi lên, thúc đẩy liên kết kinh tế và nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ chế hợp tác do ASEAN khởi xướng và dẫn dắt đến nay.

Trong thời gian qua, Việt Nam tiếp tục tham gia đầy đủ, tích cực và có trách nhiệm, thực hiện nghiêm túc các cam kết và đóng góp hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực hợp tác của ASEAN cũng như giữa ASEAN với các đối tác. Việt Nam đã góp phần quan trọng trong việc hoàn thành các công việc để hình thành Cộng đồng ASEAN 2015, là một trong hai nước thành viên có tỉ lệ hoàn thành cao nhất các biện pháp ưu tiên, có tác động lớn đến thương mại và đầu tư trong Kế hoạch Tổng thể xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (với tỉ lệ 95,5%, đứng thứ hai sau Singapore). Việt Nam đã đề xuất nhiều sáng kiến có giá trị nhằm tăng cường kết nối, thu hẹp khoảng cách phát triển và đem lại nhiều lợi ích trực tiếp đến người dân. Việt Nam đã chủ động, tích cực và đóng vai trò nòng cốt trong nỗ lực định hình liên kết ASEAN trong 10 năm tới thông qua quá trình xây dựng gói văn kiện Tầm nhìn 2025. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng góp phần không nhỏ trong việc mở rộng và làm sâu sắc hơn quan  hệ giữa ASEAN và các đối tác, đồng thời là nhân tố quan trọng đảm bảo đoàn kết thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực.

Tại cuộc họp, đại diện các Bộ, ngành đã chia sẻ, đánh giá cụ thể các cơ hội và thách thức của Việt Nam trong giai đoạn phát triển tiếp theo của ASEAN; tích cực trao đổi các trọng tâm, ưu tiên tham gia hợp tác ASEAN trong năm tới cả ở cấp khu vực và quốc gia. 

Ở cấp khu vực, các Bộ, ngành đã nhất trí thúc đẩy bốn trọng tâm lớn: (i) triển khai hiệu quả Tầm nhìn ASEAN 2025 và các Kế hoạch Tổng thể trên từng trụ cột, nhất là các sáng kiến về kết nối và thu hẹp khoảng cách phát triển; (ii) thực hiện các cam kết, biện pháp đã có về tự do hóa thương mại, dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động có tay nghề, cũng như thúc đẩy những cam kết mới phù hợp với chủ trương về mở cửa thị trường và hội nhập kinh tế; (iii) tham gia các lĩnh vực/hoạt động văn hóa-xã hội phù hợp với nhu cầu và nguồn lực của Việt Nam, như an sinh xã hội, biến đổi khí hậu, cứu trợ thiên tai, quyền của người lao động di cư...; và (iv) phát huy vai trò trong việc duy trì đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN, cũng như đưa quan hệ giữa ASEAN và các đối tác đi vào chiều sâu và thực chất hơn.

Ở cấp quốc gia, các Bộ, ngành đặt ra ba ưu tiên lớn trong năm 2016, bao gồm: (i) đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Cộng đồng ASEAN; (ii) điều chỉnh luật lệ nhằm thuận lợi hóa việc thực hiện các cam kết khu vực; và (iii) nâng cao chất lượng và hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan tham gia ASEAN, trong đó chú trọng tăng cường bộ phận và cán bộ chuyên trách về hợp tác ASEAN trong các Bộ, ngành, địa phương liên quan./.

Theo nguồn: Bộ Ngoại giao

  
Số lượt xem:681