Tọa đàm “Cùng tăng cường hành động vì một tầm nhìn chung APEC”
22-12-2015

 (MOFA) - Sáng ngày 16 tháng 12 năm 2015, tại Hà Nội, đã diễn ra Tọa đàm “Cùng tăng cường hành động vì một Tầm nhìn chung APEC” do Ủy ban Quốc gia APEC Việt Nam 2017 tổ chức. Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia APEC 2017, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã chủ trì và phát biểu khai mạc tại Tọa đàm.

Tọa đàm “Cùng tăng cường hành động vì một tầm nhìn chung APEC”
CT

 

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia APEC 2017 chủ trì và phát biểu khai mạc tại Tọa đàm

Tọa đàm là hoạt động chính thức đầu tiên của Ủy ban Quốc gia APEC Việt Nam 2017 với cơ quan đại diện các nền kinh tế thành viên APEC tại Việt Nam nhằm trao đổi về những biện pháp để nâng cao vai trò của Diễn đàn APEC trong cục diện mới và tăng cường phối hợp trong chuẩn bị và tổ chức Năm APEC Việt Nam 2017. Đây cũng là lần đầu tiên trong APEC, một chủ nhà tương lai của Năm APEC đề xuất và chủ trì tổ chức một sự kiện với sự tham dự của ba nền kinh tế thành viên là chủ nhà các Năm APEC liên tiếp từ 2014 – 2016. 

Tham dự Tọa đàm có Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch SOM APEC Philippines Laura Q. Del Rosario, Trưởng SOM APEC Trung Quốc Tan Jian, Tổng thư ký Hội đồng hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (PECC) Eduardo Pedrosa và Chủ tịch ABAC Việt Nam Hoàng Văn Dũng. Hơn 100 đại diện các Bộ, ngành, địa phương, viện nghiên cứu Việt Nam và cơ quan đại diện các nền kinh tế thành viên APEC đã đến dự. 

Phát biểu chỉ đạo Tọa đàm, Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nêu rõ, APEC sẽ ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong cục diện khu vực đang định hình; nhấn mạnh tầm quan trọng chiến lược của Diễn đàn APEC trong tiến trình đổi mới, tái cơ cấu kinh tế và hội nhập quốc tế của Việt Nam; khẳng định việc đăng cai tổ chức Năm APEC 2017 là một trọng tâm đối ngoại của Việt Nam đến năm 2020 nhằm triển khai chủ trương hội nhập quốc tế sâu rộng và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại đa phương, thể hiện quyết tâm của Việt Nam đóng góp thiết thực cho các quan tâm chung của APEC và của cộng đồng châu Á – Thái Bình Dương.

Các diễn giả và đại diện các nền kinh tế thành viên chia sẻ đánh giá APEC sẽ tiếp tục là một cơ chế hợp tác kinh tế hàng đầu ở khu vực và trên thế giới, góp phần duy trì hòa bình và phát triển ở khu vực; đề cao vai trò và những đóng góp thiết thực của APEC trong việc thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư, tăng cường kết nối khu vực; nhất trí APEC cần liên kết sâu rộng hơn, gắn với phát triển bền vững, tái cơ cấu, đổi mới, sáng tạo, các vấn đề toàn cầu và các vấn đề thương mại, đầu tư thế hệ mới để tăng cường vai trò trong cục diện mới. Các đại biểu quốc tế cũng đánh giá cao sự chủ động và tích cực của Việt Nam trong công tác chuẩn bị đăng cai tổ chức Năm APEC 2017; khẳng định các nền kinh tế chủ nhà các năm APEC sẽ chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam và hỗ trợ, đồng hành cùng Việt Nam trong quá trình chuẩn bị và tổ chức Năm APEC 2017.

 Thành lập tháng 11 năm 1989, Diễn đàn APEC đã trải qua 4 lần mở rộng thành viên và ngày nay hội tụ 21 nền kinh tế năng động nhất của châu Á – Thái Bình Dương. APEC hiện đại diện khoảng 39% dân số thế giới, đóng góp 57% GDP và 47% thương mại toàn cầu. Việt Nam trở thành thành viên của Diễn đàn APEC vào tháng 11 năm 1998. Năm 2017 sẽ là lần thứ hai Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Cấp cao APEC và các hoạt động lớn của Diễn đàn APEC. Để bảo đảm điều phối tổng thể công tác chuẩn bị cho Năm APEC 2017, Ủy ban Quốc gia APEC 2017 đã được thành lập vào tháng 7 năm 2015./.

Theo nguồn: Bộ Ngoại giao

  
Số lượt xem:504