Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh tiếp Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc |
2-4-2014 |
(MOFA) - Phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Phumzile Mlambo-Ngcuka chúc mừng những thành tựu của Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ (MDGs), đặc biệt là xóa đói giảm nghèo và bình đẳng giới. |
CT |
Phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Phumzile Mlambo-Ngcuka chúc mừng những thành tựu của Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ (Ảnh: Chinhphu.vn)
Trong cuộc gặp gỡ với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chiều 31/3/2014, bà Phumzile Mlambo-Ngcuka cho biết, LHQ đang trong quá trình tổng kết, đánh giá thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ và nhận định trên được đưa ra trên cơ sở các báo cáo. Sau cuộc họp với Bộ LĐTBXH sáng nay, những bài học của Việt Nam trong bảo đảm an sinh xã hội và bình đẳng giới sẽ được chia sẻ với các nước, Phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc kiêm Giám đốc điều hành Cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) khẳng định. Trong thời gian tới, UN Women mong muốn hỗ trợ Việt Nam bảo vệ báo cáo thực hiện Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW). Bà Phumzile Mlambo-Ngcuka cũng đánh giá cao Việt Nam đã có những đóng góp tích cực cho việc xây dựng Chương trình nghị sự phát triển của LHQ sau 2015. Một trong những nội dung quan trọng của Chương trình này là tập trung giải quyết 3 vấn đề: Chống bạo lực đối với phụ nữ, tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị và chống nạn tảo hôn. Bà Phumzile Mlambo-Ngcuka cũng bày tỏ hy vọng Việt Nam sẽ cử một phái đoàn cấp cao tham dự Hội nghị thượng đỉnh của phụ nữ, tổ chức tại New York vào năm 2015. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh hoan nghênh bà Phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc thăm Việt Nam và tham dự Hội nghị khu vực châu Á-Thái Bình Dương của UN Women được tổ chức tại Hà Nội. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết vấn đề bình đẳng giới đã được thể chế hóa trong Hiến pháp 2013 và Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan. Chính phủ đã xây dựng và ban hành các văn bản pháp quy thể hiện nguyên tắc về bình đẳng giới và không phân biệt đối xử theo quy định của Luật Bình đẳng giới năm 2006, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020, lồng nghép bình đẳng giới trong việc xây dựng và thực thi pháp luật, các chương trình phát triển kinh tế.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tiếp bà Bà Phumzile Mlambo-Ngcuka (Ảnh: Chinhphu.vn) Tại Việt Nam, tỷ lệ nữ tham gia vào Quốc hội khóa 13 đạt 24,4%; phụ nữ đảm nhiệm nhiều vị trí lãnh đạo như Phó Chủ tịch nước, 2 Phó Chủ tịch Quốc hội, và 2 nữ Bộ trưởng. 14/30 bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ có Thứ trưởng là nữ. Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, những thách thức về bình đẳng giới của Việt Nam vẫn còn, đó là: Chênh lệch giới tính khi sinh do quan niệm trọng nam, khoảng cách thu nhập giữa các giới và các vùng miền, bạo hành đối với trẻ em gái. Về hợp tác quốc tế, Việt Nam luôn tham gia tích cực vào công việc chung của cộng đồng quốc tế về bình đẳng giới. Khi trở thành thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc giai đoạn 2008-2009, Việt Nam đã đưa ra sáng kiến tổ chức các cuộc họp liên quan đến phụ nữ trong và sau xung đột. Việt Nam cũng luôn cử các đoàn cấp cao tham dự các hội nghị của Liên Hợp Quốc liên quan đến phụ nữ, Phó Thủ tướng cho biết. Bên cạnh đó, Việt Nam tiếp tục tăng cường hợp tác với các nước, các tổ chức quốc tế, nghiêm túc triển khai các cam kết quốc tế về bình đẳng giới trong đó có việc thực hiện công ước CEDAW, CRC và trong các cơ chế liên quan đến nhân quyền của ASEAN như Ủy ban Phụ nữ ASEAN (ACW), Ủy ban ASEAN về thúc đẩy và bảo vệ quyền của Phụ nữ và trẻ em (ACWC), Mạng lưới doanh nhân nữ ASEAN. Việt Nam cam kết thúc đẩy hợp tác quốc tế về lĩnh vực bình đẳng giới, trong đó có việc chuẩn bị tích cực cho Hội nghị thượng đỉnh phụ nữ toàn cầu tháng 5/2014, khóa họp 59 của Ủy ban địa vị phụ nữ tháng 7/2015, rà soát việc triển khai Tuyên bố và Chương trình hành động Bắc Kinh về phụ nữ sau 20 năm được thông qua, và đóng góp vào Chương trình nghị sự của Liên Hợp Quốc về phát triển sau 2015. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh mong muốn UN Women tiếp tục hợp tác, giúp đỡ Việt Nam phát huy các thành tựu và giải quyết các thách thức về bình đẳng giới cũng như thực hiện các cam kết quốc tế, và nâng cao năng lực thực hiện các báo cáo quốc gia trong lĩnh vực này./. và thực thi pháp luật, các chương trình phát triển kinh tế./.
|
Số lượt xem:1814 |