Bản tin ngoại vụ số 26
19-12-2013

 Bản tin ngoại vụ số 26

 1. Hoạt động chính trị, đối ngoại

- UBND tỉnh Quảng Trị làm việc với Bộ Ngoại giao và Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA)
Ngày 05/11/2013, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hồ Xuân Sơn đã chủ trì cuộc làm việc với đồng chí Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị và đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) để trao đổi về chương trình hợp tác với Hàn Quốc.
Ghi nhận và đánh giá cao chương trình hợp tác giữa Quảng Trị với các đối tác Hàn Quốc thông qua KOICA, lãnh đạo 3 cơ quan cho rằng, các hoạt động hợp tác phát triển trong thời gian qua đã đạt được những thành công bước đầu và có ý nghĩa quan trọng trong việc góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Hàn Quốc nói chung, giữa Quảng Trị và Hàn Quốc nói riêng; nhất trí cùng hợp tác chặt chẽ để tổ chức thành công hoạt động hữu nghị hợp tác giữa Quảng Trị với KOICA trong năm 2013 (dự kiến diễn ra trong 3 ngày từ 02 - 04/12/2013) tại Quảng Trị với sự tham dự của Bộ Ngoại giao, một số Bộ, ngành Trung ương cùng Đại sứ quán Hàn Quốc và các đối tác, doanh nghiệp của Hàn Quốc. Các hoạt động chính bao gồm: Khánh thành dự án nâng cấp Trường Trung cấp nghề Quảng Trị; công bố chương trình “Hạnh phúc tỉnh Quảng Trị”; biễu diễn nghệ thuật; đánh giá việc thực hiện thoả thuận chung Quảng Trị - KOICA ký ngày 19/5/2013.

- Lãnh đạo TP. Hà Nội tiếp Đoàn Đại biểu TP. Berlin (Đức)

Ngày 28/10/2013, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã tiếp Ngài Klaus Wowereit, Thị trưởng thành phố Berlin thăm và làm việc tại Việt Nam.

Tại buổi tiếp, hai bên đã trao đổi về những vấn đề, lĩnh vực mà 2 thành phố có thể tăng cường quan hệ hợp tác, nhất là hợp tác giữa các trường đại học, viện nghiên cứu; trao đổi kinh nghiệm trong phát triển văn hóa, giáo dục đào tạo; quy hoạch và quản lý đô thị, hợp tác đầu tư  phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị.

Lãnh đạo 2 thành phố thống nhất ký biên bản ghi nhớ làm cơ sở để phối hợp triển khai hợp tác trong thời gian tới.

- Lãnh đạo TP. HCM tiếp Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Giáo dục và Nghiên cứu Liên bang Thụy Sĩ
Ngày 25/10/2013, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Hứa Ngọc Thuận đã tiếp Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Giáo dục và Nghiên cứu Liên bang Thụy Sĩ Johann N.Schneider-Ammann. Tại buổi tiếp, đ/c Hứa Ngọc Thuận chia sẻ vui mừng về quan hệ tốt đẹp mà hai nước đã vun đắp trong hơn 40 năm qua và gửi lời cảm ơn đến Chính phủ và nhân dân Thụy Sĩ đã hỗ trợ nguồn vốn ODA cho Việt Nam góp phần quan trọng vào việc xóa đói, giảm nghèo và thực hiện các chính sách an sinh xã hội tại Việt Nam. Đối với TPHCM, ngoài quan hệ hợp tác với Liên bang Thụy Sĩ( ), TP đã quan hệ hợp tác với Geneva, mong muốn hai bên tiếp tục hợp tác trên nhiều lĩnh vực và cam kết luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp Thụy Sĩ đầu tư tại TP.

Bày tỏ ấn tượng trước sự phát triển của TPHCM, Bộ trưởng Johann N.Schneider-Ammann cho biết, Liên bang Thụy Sĩ sẽ xin phép mở Tổng lãnh sự quán tại TPHCM nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác với TP. Cảm ơn TPHCM luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp Thụy Sĩ nên các doanh nghiệp Thụy Sĩ luôn quan tâm tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Việt Nam cũng như TPHCM, ông tin tưởng TPHCM tiếp tục tạo môi trường đầu tư an toàn, thuận lợi cho các doanh nghiệp Thụy Sĩ.

- Bí thư Thành ủy Đà Nẵng tiếp đoàn đại biểu nhân dân Ấn Độ

Ngày 23/10/2013, tại Đà Nẵng, Bí thư Thành ủy Trần Thọ đã tiếp đoàn đại biểu nhân dân Ấn Độ tham dự Liên hoan hữu nghị nhân dân Việt Nam - Ấn Độ lần thứ VI. Tại buổi tiếp, đ/c Trần Thọ đã giới thiệu về tình hình phát triển kinh tế xã hội của thành phố trong những năm gần đây, đặc biệt nhấn mạnh đến dự án hợp tác với Ấn Độ về công nghệ thông tin và đào tạo tiếng Anh; bày tỏ hy vọng trong tương lai sẽ có nhiều doanh nghiệp Ấn Độ đến tìm hiểu, hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Đà Nẵng.

Đánh giá cao những thành tựu mà thành phố Đà Nẵng đã đạt được trong những năm qua, Thượng nghị sỹ D. P Tripathi, Tổng Thư ký Đảng Quốc đại Dân tộc, Phó Chủ tịch Tổ chức Hòa bình và Đoàn kết toàn Ấn Độ, mong muốn trong tương lai Đà Nẵng sẽ kết nghĩa với Chennai, Thủ phủ bang Tamil Nadu.

Trước đó, sáng cùng ngày, tại buổi Tọa đàm “Giao lưu Văn hóa Việt Nam - Ấn Độ”, đại biểu hai bên đã trình bày những tham luận chuyên sâu về nguồn gốc văn hóa Chăm, sự ảnh hưởng của văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng của Ấn Độ tại Việt Nam cũng như sự phát triển của quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trong suốt thời gian từ thế kỷ thứ VII. Trưởng đoàn Ấn Độ, ông Tripathi cho rằng, văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng của Ấn Độ du nhập vào Việt Nam bằng con đường hòa bình, không cưỡng ép, được tiếp thu hết sức tự nhiên và tự nguyện. Quan hệ giữa Việt Nam và Ấn Độ cũng được bắt nguồn và phát triển trên cơ sở đó nên sẽ mãi là mối quan hệ hữu nghị, hợp tác và không bao giờ thay đổi, cần nhân rộng và phát triển trên tất cả các mặt chính trị, kinh tế, khoa học - công nghệ, giáo dục và đào tạo…

 

- Vĩnh Phúc – Chungcheongbuk ký kết thỏa thuận kết nghĩa

Ngày 21/10/2013, tại Vĩnh Phúc đã diễn ra Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác hữu nghị giữa tỉnh Chungcheongbok (Hàn Quốc) và tỉnh Vĩnh Phúc với sự chứng kiến của Tỉnh trưởng tỉnh Chungcheongbok, Lee Si Jong và Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Phùng Quang Hùng.
Phát biểu tại buổi lễ, đ/c Phùng Quang Hùng cho biết, Bản ghi nhớ về hợp tác hữu nghị toàn diện giữa hai tỉnh ký cách đây 5 năm đã tạo điều kiện thúc đẩy các hoạt động trao đổi, đào tạo cán bộ, giao lưu văn hóa; sự phát triển các mối quan hệ dẫn đến sự cần thiết ký Thỏa thuận kết nghĩa, nâng tầm hợp tác hữu nghị giữa 2 tỉnh, thể hiện sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau và tạo môi trường chính trị thuận lợi cho việc phát triển quan hệ hợp tác nhiều mặt. 

Ngài Lee Si Jong, Tỉnh trưởng tỉnh Chungcheongbuk cho rằng, thỏa thuận ký kết này sẽ tạo bước tiến mới, là nền tảng vững chắc cho hợp tác hữu nghị giữa 2 địa phương trong thời gian tới. 

 

2. Hợp tác kinh tế, văn hóa

 

- Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang làm việc với Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA)
Ngày 29/10/2013, đ/c Nguyễn Văn Linh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, đã làm việc với Ngài Kim In, Trưởng Đại diện KOIKA tại Việt Nam về Dự án Trường Cao đẳng nghề Công nghệ Việt – Hàn được xây dựng tại địa bàn xã Dĩnh Trì, thành phố Bắc Giang.

Bày tỏ cảm ơn đối với Chính phủ Hàn Quốc và tổ chức KOICA đã giúp đỡ Bắc Giang xây dựng Trường Cao đẳng nghề Công nghệ Việt – Hàn, đ/c Nguyễn Văn Linh khẳng định, tỉnh luôn tập trung cao nhất mọi nguồn lực, kinh phí đầu tư đảm bảo kịp tiến độ của Dự án, đề nghị KOICA tiếp tục giúp đỡ sớm xây dựng và hoàn thiện bộ giáo trình chuẩn để địa phương chủ động trong kế hoạch giảng dạy, đào tạo, kể cả dạy tiếng Hàn tại trường nhằm đảm bảo việc đào tạo gắn chặt với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp.

Chia sẻ vui mừng trước tiến độ và chất lượng thi công của Dự án, Ngài Kim In khẳng định, phía KOICA luôn dành sự quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhằm đẩy nhanh tiến độ các hạng mục của Dự án và đào tạo đội ngũ cán bộ, giảng viên chất lượng cao, đảm bảo đáp ứng được yêu cầu đào tạo của nhà trường…

Hai bên đều bày tỏ tin tưởng, Trường Cao đẳng nghề Công nghệ Việt – Hàn sẽ là biểu tượng sinh động của mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa hai nước nói chung, tỉnh Bắc Giang với KOICA nói riêng, và sẽ trở thành một trong những trung tâm đào tạo nghề chất lượng cao của quốc gia và khu vực.

 

- Lãnh đạo TP. Đà Nẵng gặp gỡ các doanh nghiệp Nhật Bản

Ngày 25/10/2013, đ/c Văn Hữu Chiến, Chủ tịch TP. Đà Nẵng, đã có buổi gặp gỡ với các doanh nghiệp Nhật Bản nhằm tìm hiểu tình hình hoạt động, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án, những kiến nghị, đề xuất nhằm thu hút nhiều hơn nữa các nhà đầu tư Nhật Bản đến với Đà Nẵng.

Tại buổi gặp gỡ, đại diện các doanh nghiệp Nhật Bản đã đưa ra một số câu hỏi cụ thể liên quan đến những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp mình, tập trung vào việc giải thích và vận dụng thực tế Luật Lao động, vấn đề xử lý nước thải, hạ tầng trong các khu công nghiệp, các vấn đề liên quan đến thủ tục cấp Giấy chứng nhận đầu tư, chính sách thuế và những ưu đãi, nguồn cung cấp lao động… Các doanh nghiệp Nhật Bản cho rằng, trở ngại lớn nhất là thiếu nguồn cung ứng nguyên vật liệu và công nghiệp phụ trợ, cơ sở hạ tầng chưa thật sự đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp…
Bày tỏ sự trân trọng đối với những đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản tại Đà Nẵng, đ/c Văn Hữu Chiến nhấn mạnh, Thành phố luôn tạo điều kiện để cộng đồng các doanh nghiệp trong và ngoài nước, trong đó có Nhật Bản phát triển mạnh mẽ hơn nữa; cam kết sẽ nỗ lực hết mình nhằm tạo mọi điều kiện ưu đãi có thể cho phép, thuận tiện phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đã, đang và sẽ đầu tư vào Đà Nẵng để TP. trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn của các doanh nghiệp Nhật Bản.

 

- Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi làm việc với VP. Phát triển quốc tế Úc

Ngày 23/10/2013, đ/c Đinh Thị Loan, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, đã làm việc với đoàn công tác Văn phòng Phát triển quốc tế Úc (AusAID) để đánh giá kết quả thực hiện các chương trình viện trợ của AusAID tại tỉnh Quảng Ngãi.

Cảm ơn Chính phủ Úc trong thời gian qua đã hỗ trợ nhiều chương trình, dự án và mang lại hiệu quả cho sự phát triển của Quảng Ngãi, Phó Chủ tịch Đinh Thị Loan mong muốn tiếp tục nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ kinh phí để thực hiện, hoàn thiện những dự án như: Vũng neo trú tàu thuyền Tịnh Hòa; 10 nhà cộng đồng phòng tránh thiên tai; tiếp tục xây dựng Trung tâm phòng tránh giảm nhẹ thiên tai ở 11 huyện, thành phố của Quảng Ngãi; hỗ trợ đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác phòng tránh thiên tai các cấp.

Được biết trong thời gian qua, Chính phủ Úc đã tài trợ cho Quảng Ngãi nhiều chương trình, dự án mang lại hiệu quả cao, góp phần  xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của người dân, đặc biệt đối với các xã miền núi; các địa phương được thụ hưởng các chương trình, dự án có nhiều khởi sắc. Tiêu biểu như Dự án giảm nhẹ thiên tai Quảng Ngãi được triển khai từ cuối tháng 3/2003 với tổng mức đầu tư hơn 16,4 triệu đô la Úc (tương đương 174 tỷ đồng). Sau 10 năm triển khai thực hiện, Dự án đã mang lại hiệu quả rõ rệt thông qua một số công trình phòng chống thiên tai quan trọng được xây dựng kiên cố như: Đê ngăn mặn cửa sông Trà Bồng, các kè chống sạt lở bờ sông Trà Khúc và đặc biệt là vũng neo trú tàu thuyền Tịnh Hòa đã góp phần trực tiếp giúp nhân dân các vùng dự án phòng ngừa được nhiều rủi ro, ổn định đời sống và sản xuất.

 

- EU thành lập Trung tâm hỗ trợ DN đầu tư vào Việt Nam

Ngày 21/10/2013, tại TPHCM, Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam đã ký quyết định tài trợ một dự án trị giá 4 triệu Euro nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) châu Âu tìm cơ hội đầu tư vào Việt Nam. Theo đó, EU sẽ thành lập Trung tâm hỗ trợ DN vừa và nhỏ của khối này đầu tư vào Việt Nam, đặt tại TPHCM và chính thức hoạt động từ ngày 12/11.

Đây được coi là nỗ lực tập thể của các nước thuộc EU nhằm mang lại hiệu quả đồng bộ và mạnh mẽ nhất cho DN vừa và nhỏ của châu Âu tại Việt Nam. Trung tâm hỗ trợ DN vừa và nhỏ sẽ hoạt động trong khoảng thời gian ít nhất là 5 năm. Trong thời gian đó, Trung tâm sẽ tổ chức nhiều hoạt động tạo cầu nối cho các DN châu Âu tiếp cận và triển khai đầu tư ở Việt Nam. Trung tâm sẽ hỗ trợ cho các DN vừa và nhỏ của châu Âu mới đến Việt Nam có thể tiếp cận với các chính sách thương mại và đầu tư tại Việt Nam, đồng thời, hỗ trợ các DN trong việc tìm kiếm đối tác tin cậy, bạn hàng cung ứng vật tư, dịch vụ nhằm tạo đà cho các DN phát triển tại thị trường Việt Nam.

 

3. Tin địa phương

 

- Kỷ niệm 110 năm du lịch Sa Pa: Tôn vinh các giá trị văn hóa bản địa

Ngày 02/11/2013, tỉnh Lào Cai đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 110 năm du lịch Sa Pa (1903 – 2013) với nhiều hoạt động đặc sắc mang đậm dấu ấn con người và văn hóa bản địa( ).
Trong diễn văn kỷ niệm, đ/c Nguyễn Văn Vịnh, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, nhấn mạnh lễ kỷ niệm là cơ hội để Sa Pa có dịp tuyên truyền quảng bá, khai thác tiềm năng du lịch, xúc tiến thương mại-du lịch và đầu tư, thu hút du khách đến với Lào Cai và Sa Pa.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải khẳng định, Chính phủ và các bộ, ngành sẽ chung tay cùng Lào Cai quyết tâm xây dựng Sa Pa trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn nhất của du lịch Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.

Với chủ đề ‘‘Sa Pa vẫy gọi’’, chương trình nghệ thuật đặc biệt diễn ra trong không khí sôi động, đậm màu sắc văn hóa dân tộc. Kết thúc Lễ kỷ niệm, Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch đã trao Quyết định công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia cho Nghi lễ Pút tồng của người Dao đỏ, Lễ hội Xuống đồng của người Giáy ở Tả Van và Nghề chạm khắc bạc của người Mông ở Sa Pa. Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao Kỷ niệm chương và Bằng công nhận kỷ lục Việt Nam cho 3 danh thắng: Đèo Ô Quý Hồ - Đèo dài nhất Việt Nam; Quần thể ruộng bậc thang lớn nhất và có nhiều bậc nhất.

 

4. Tin khác

 

- Thành lập Cục Ngoại vụ, Bộ Ngoại giao

Ngày 28/10/2013, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh ký Quyết định số 3088/QĐ/BNG chính thức thành lập Cục Ngoại vụ.

Theo Quyết định số 3088, Cục Ngoại vụ là đơn vị thuộc Bộ Ngoại giao có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Ngoại giao chỉ đạo, hướng dẫn, quản lý hoạt động đối ngoại của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; quản lý tổ chức phi chính phủ nước ngoài và hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam.

Để thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định, Cục Ngoại vụ có các đơn vị chuyên môn sau:
1. Phòng Tổng hợp

2. Phòng Địa phương

3. Phòng Tổ chức phi chính phủ nước ngoài.

Lãnh đạo Bộ Ngoại giao cũng đã quyết định điều động đ/c Phạm Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng - Phó Chánh Văn phòng Bộ, giữ chức Phó Cục trưởng Phụ trách Cục Ngoại vụ, đ/c Mai Phan Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ các Tổ chức quốc tế, giữ chức Phó Cục trưởng Cục Ngoại vụ.

 

- Hiệp định giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ CHLB Đức về miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao

Từ ngày 01/11/2013, Hiệp định giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ CHLB Đức về miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao bắt đầu có hiệu lực.
Theo Hiệp định này, công dân của một Bên mang HCNG còn giá trị và không phải là người được bổ nhiệm hoặc cử sang công tác nhiệm kỳ tại lãnh thổ Bên kia, được nhập cảnh, quá cảnh, cư trú và xuất cảnh miễn thị thực trên lãnh thổ Bên kia với thời hạn chín mươi (90) ngày (trong một hay nhiều giai đoạn) trong vòng sáu (06) tháng, tính từ ngày nhập cảnh lần đầu (đối với công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là ngày nhập cảnh đầu tiên vào khu vực Schengen).

 

5. Văn bản mới

 

- Nghị định số 145/2013/NĐ-CP

Ngày 29/10/2013, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký ban hành Nghị định số 145/2013/NĐ-CP quy định về tổ chức ngày kỷ niệm; nghi thức trao tặng, đón nhận hình thức khen thưởng, danh hiệu thi đua; nghi lễ đối ngoại và đón, tiếp khách nước ngoài, trong đó yêu cầu các hoạt động trên phải bảo đảm an toàn, trang trọng, tiết kiệm, hiệu quả, không phô trương hình thức; có ý nghĩa tôn vinh sự kiện, tôn vinh tập thể và cá nhân; mang ý nghĩa giáo dục truyền thống yêu nước, lý tưởng cách mạng; thực hiện nếp sống văn minh, bảo tồn giá trị văn hóa, bản sắc dân tộc; chú trọng yêu cầu chính trị, đối ngoại và phù hợp với pháp luật Việt Nam, pháp luật và thông lệ quốc tế.

Nghị định quy định cách thức tổ chức năm tròn, năm lẻ 5, năm khác của các ngày lễ lớn, Tết Nguyên đán; danh nghĩa các chuyến thăm cao cấp, thành phần, nghi thức, lễ đón, nghi thức đón, hội đàm, tiếp xúc, chiêu đãi, tiễn đoàn; về đón, tiếp các đoàn khách cấp cao nước ngoài thăm làm việc, thăm cá nhân, quá cảnh; quy định việc tiễn, đón lãnh đạo Đảng, Nhà nước đi thăm, dự hội nghị quốc tế ở nước ngoài; nghi lễ đối ngoại đối với đoàn ngoại giao, các tổ chức quốc tế tại Hà Nội; về kỷ niệm ngày sinh của đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã từ trần...

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16/12/2013; thay thế các Nghị định số 82/2001/NĐ-CP ngày 06/11/2001 về nghi lễ nhà nước và đón tiếp khách nước ngoài và Nghị định số 154/2004/NĐ-CP ngày 09/8/2004 về nghi thức nhà nước trong tổ chức mít-tinh, lễ kỷ niệm; trao tặng và đón nhận danh hiệu vinh dự Nhà nước, Huân chương, Huy chương, Cờ Thi đua của Chính phủ, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

 

- Nghị định số 146/2013/NĐ-CP

Ngày 30/10/2013, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký ban hành Nghị định số 146/2013/NĐ-CP về việc công bố tuyến hàng hải và phân luồng giao thông trong lãnh hải Việt Nam, trong đó quy định Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công bố tuyến hàng hải và phân luồng giao thông trong lãnh hải Việt Nam phục vụ cho việc tàu thuyền đi qua không gây hại nhằm bảo đảm an toàn hàng hải; Bộ Giao thông Vận tải tổ chức thiết lập, công bố, quản lý tuyến hàng hải và phân luồng giao thông trong lãnh hải Việt Nam…

Yêu cầu chung đối với tàu thuyền đi qua không gây hại trong lãnh hải Việt Nam bao gồm: tất cả các loại tàu thuyền không phân biệt quốc tịch, trọng tải được phép đi qua không gây hại trong lãnh hải Việt Nam nhưng phải thực hiện trên cơ sở tôn trọng hòa bình, độc lập, chủ quyền, pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; tàu thuyền đi qua lãnh hải Việt Nam phải treo quốc kỳ Việt Nam trên đỉnh cột cao nhất, đi liên tục, nhanh chóng và thực hiện đầy đủ các quy định có liên quan của pháp luật Việt Nam và Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, trừ trường hợp gặp sự cố hàng hải, sự cố bất khả kháng…; tàu ngầm và các phương tiện đi ngầm khác của nước ngoài phải hoạt động ở trạng thái nổi trên mặt nước và phải treo cờ quốc tịch;…

Nghị định sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2014.

 

- Nghị định số 152/2013/NĐ-CP

Ngày 04/11/2013, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký ban hành Nghị định số 152/2013/NĐ-CP quy định về quản lý phương tiện cơ giới do người nước ngoài đưa vào Việt Nam du lịch.

Nghị định quy định về việc phương tiện cơ giới của người nước ngoài đăng ký tại nước ngoài do người nước ngoài điều khiển vào tham gia giao thông tại Việt Nam với mục đích du lịch; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan; những điều kiện cần có để người điều khiển và phương tiện cơ giới nước ngoài được tham gia giao thông tại Việt Nam.

Nghị định sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/12/2013.

 

- Thông tư số 140/2013/TT-BTC

Thông tư số 140/2013/TT-BTC ngày 14/10/2013 của Bộ Tài chính về việc sửa đổi, bổ sung Thông tư 34/2013/TT-BTC ngày 28/03/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn về lệ phí trước bạ.

Thông tư quy định, đối với các loại xe ô tô biển số ngoại giao, biển số nước ngoài và biển số quốc tế của các tổ chức, cá nhân nước ngoài (quy định tại khoản 2, Điều 4 Nghị định số 45/2011/NĐ-CP) chuyển nhượng cho các tổ chức, cá nhân khác tại Việt Nam thì tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng làm thủ tục kê khai, nộp thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng theo quy định và nộp lệ phí trước bạ với mức thu lần đầu (từ 10% - 15%). Giá tính lệ phí trước bạ đối với trường hợp này được xác định tại thời điểm kê khai, nộp lệ phí trước bạ… Đối với các loại xe ô tô biển số nước ngoài mà chủ xe là người nước ngoài (không thuộc đối tượng quy định tại Khoản 2 Điều 4 Nghị định 45/2011/NĐ-CP), nếu chuyển nhượng lại tài sản cho các tổ chức, cá nhân khác tại Việt Nam thì tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng phải kê khai nộp lệ phí trước bạ khi đăng ký quyền sở hữu, sử dụng theo mức thu 2%.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/12/2013./.

(theo www.mofa.gov.vn)

  
Số lượt xem:618