Định hướng xây dựng Cộng đồng ASEAN sau năm 2015 |
6-12-2013 |
(TG&VN) - Sáng ngày 3/12, tại Hà Nội, đã diễn ra Hội thảo “Định hướng xây dựng Cộng đồng ASEAN sau năm 2015: Quan điểm của các nước ASEAN và Việt Nam”. Hội thảo này là cơ hội để các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia, đại diện các bộ, ban, ngành cùng thảo luận, chia sẻ quan điểm từ nhiều góc độ khác nhau nhằm dần định hình phương hướng phát triển ASEAN cũng như chuẩn bị cho Việt Nam tham gia chủ động đóng góp tích cực hiệu quả vào quá trình xây dựng Tầm nhìn sau 2015. |
CT |
Các đại biểu Hội thảo “Định hướng xây dựng Cộng đồng ASEAN sau năm 2015: Quan điểm của các nước ASEAN và Việt Nam”. Tham dự Hội thảo có Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng SOM ASEAN - Việt Nam Phạm Quang Vinh, đại diện các tổ chức quốc tế, các bộ, ngành trung ương và các viện nghiên cứu… Phát biểu khai mạc Hội thảo, thứ trưởng Phạm Quang Vinh nhấn mạnh vai trò chủ đạo của ASEANtrong việc duy trì và thúc đẩy môi trường hòa bình, an ninh của khu vực, đặc biệt là việc xây dựng, chia sẻ và đề cao các chuẩn mực ứng xử, phát huy hiệu quả các công cụ hợp tác hiện có như TAC, SEANFWZ, Tuyên bố Bali về các nguyên tắc quan hệ cùng có lợi, Tuyên bố nguyên tắc 6 điểm về vấn đề Biển Đông, Tuyên bố DOC,…Với các chuẩn mực ứng xử này, ASEAN đã tạo một sân chơi cho các nước tham gia theo luật chơi của ASEAN, thông qua các cơ chế do ASEAN chủ xướng như ASEAN+1, ASEAN+3, EAS, ARF, ADMM+ và theo các chương trình nghị sự do ASEAN xây dựng. Trong lĩnh vực kinh tế, ASEAN thúc đẩy liên kết và kết nối nội khối một cách hiệu quả và thực chất nhằm trước hết, xây dựng ASEAN thành một thị trường duy nhất, một không gian sản xuất thống nhất, phát triển đồng đều, có sức cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế. Đồng thời, ASEAN cũng đề xuất các sáng kiến như Sáng kiến Liên kết ASEAN (IAI), Tuyên bố về Khuôn khổ Phát triển đồng đều, Kế hoạch Tổng thể về Kết nối ASEAN. Không chỉ dừng ở đó, ASEAN đang từng bước mở rộng với bên ngoài thông qua các FTA+1 và đàm phán RCEP hướng tới không gian hợp tác và liên kết kinh tế mở trong khu vực. ASEAN cũng thể hiện rõ vai trò tích cực trong ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống như an ninh hàng hải, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, quản lý nguồn nước với việc thiết lập nhiều cơ chế hợp tác hiệu quả, từ ARF là cơ chế hợp tác an ninh đa phương đầu tiên ở châu Á-Thái Bình Dương đến ADMM, ADMM+ là cơ chế hợp tác quốc phòng ở cấp cao nhất Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN và giữa ASEAN với các nước đối thoại. ASEAN cũng đã triển khai một loạt sáng kiến trong các lĩnh vực này như Sáng kiến và Kế hoạch hành động ASEAN về Biến đổi khí hậu đến 2015, Kế hoạch Chiến lược ASEAN dài hạn về quản lý tài nguyên nước,… Ông Phạm Quang Vinh cũng chỉ ra những thách thức của ASEAN trong quá trình hình thành Cộng đồng chung ASEAN 2015: Những khác biệt về ưu tiên chiến lược, năng lực quốc gia đang ngày càng rõ nét; Những mâu thuẫn, tranh chấp lãnh thổ, xung đột của các quốc gia trong ASEAN, chưa kể những thách thức chung về an ninh ở khu vực, cả truyền thống và phi truyền thống như tình hình Biển Đông, bán đảo Triều Tiên, tình hình Biển Hoa Đông hay biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, an ninh, an toàn hàng hải,... Về Xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2015, ông Vinh cho rằng, cần thống nhất cách tiếp cận xây dựng nội hàm của Tầm nhìn. Tầm nhìn sau 2015 là bước tiếp nối của Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN. Vì vậy, về ngắn hạn, Tầm nhìn cần phải ưu tiên đạt và hoàn thiện Cộng đồng ASEAN vào 2015 với những mục tiêu có tính thực tiễn và khả thi. Đây là những mục tiêu ASEAN chắc chắn làm được phù hợp với bản chất, trình độ, mô hình phát triển hiện nay của ASEAN. Mục tiêu dài hạn bao gồm những mục tiêu lý tưởng lớn mà ASEAN nên phấn đấu hướng tới trong những thập kỷ tiếp theo 2015. Những mục tiêu này đóng vai trò định hướng, làm động lực cho sự phát triển của ASEAN. Bà Louise Chamberlain, Giám đốc Quốc gia UNDP chúc mừng ASEAN đã đạt được nhiều thành tựu trong lộ trình xây dựng các cộng đồng kinh tế, chính trị, văn hóa – xã hội hướng tới cộng đồng chung ASEAN vào năm 2015. Đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong các diễn đàn đa phương và trong ASEAN, UNDP cũng khuyến khích Việt Nam đóng vai trò nỗ lực hơn trong việc đề ra những chương trình nghị sự hậu 2015 và hoàn thành các mục tiêu của thiên niên kỷ. Tại Hội thảo, Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh đánh giá cao sự tham gia tích cực của Việt Nam trên cả 3 trụ cột : Chính trị – an ninh, kinh tế và văn hóa – xã hội.Việt Nam đã đưa ra những cam kết triển khai các sáng kiến ở cấp độ quốc gia để nâng cao đời sống của người dân và xây dựng cộng đồng chung ASEAN vào năm 2015. Để chuẩn bị tốt hơn cho người dân khi Cộng đồng ASEAN ra đời vào năm 2015, theo Tổng thư ký Lê Lương Minh, Việt Nam cần phải tập trung nhiều hơn cho giáo dục vì giáo dục là yếu tố then chốt, đóng vai trò quan trọng trong việc thu hẹp phát triển giữa các nước trong khu vực ASEAN. Thời gian qua, Việt Nam đã có những nỗ lực đáng ghi nhận trong việc nâng cao chất lượng của hệ thống giáo dục. Chương trình mục tiêu quốc gia Giáo dục và Đào tạo năm 2012-2015 cũng được thực hiện hiệu quả. Việt Nam hiện đang triển khai các chương trình đào tạo tiếng nước ngoài, với mục tiêu đến năm 2020, các sinh viên tốt nghiệp đại học có thể giao tiếp và sử dụng ngoại ngữ thành thạo. Điều này sẽ mở thêm cơ hội việc làm cho thanh niên Việt Nam không chỉ ở trong nước mà còn tại các quốc gia thành viên khu vực ASEAN khi Cộng đồng ASEAN được thiết lập vào năm 2015. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần nâng cao hơn nữa nhận thức và hiểu biết của người dân về ASEAN. Việt Nam là một bộ phận không thể tách rời của ASEAN, vì vậy, nhận thức của từng người dân về ASEAN sẽ là thành tố cơ bản để Việt Nam bước vào ASEAN năm 2015. Sau phiên khai mạc, các đại biểu sẽ cùng nhau thảo luận về tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN và định hướng lớn sau năm 2015; Thực trạng và triển vọng Cộng đồng kinh tế ASEAN sau năm 2015. Trong ngày 4/12, các đại biểu sẽ tiếp tục thảo luận, đề xuất các mục tiêu hiện thực hóa Cộng đồng văn hóa – xã hội ASEAN, hướng phát triển của Cộng đồng chính trị - an ninh ASEAN sau năm 2015. Theo www.mofa.gov.vn |
Số lượt xem:1753 |